• Trang chủ
  • Tìm hiểu
  • Tiện ích
  • Thư viện
  • Hỏi đáp
  • Trang chủ
  • Tìm hiểu
  • Hướng dẫn cách sử dụng thuốc giãn mạch vành đúng cách

Hướng dẫn cách sử dụng thuốc giãn mạch vành đúng cách

Bệnh mạch vành gây ra những cơn đau ngực, làm gián đoạn và ảnh hưởng đến mọi hoạt động của người bệnh. Vậy dùng thuốc như thế nào để điều trị dứt điểm những biểu hiện đau ở ngực do bệnh mạch vành?

Nitrates là thuốc có tác dụng rất tốt trong việc điều trị những cơn đau ngực do bệnh mạch vành. Thuốc tác dụng thông qua cơ chế làm giãn cả hệ thống mạch vành, vừa giãn hệ thống mạch máu toàn thân. Giúp cải thiện lượng máu nuôi dưỡng cơ tim, giảm gánh nặng cho hoạt động của tim, từ đó giảm nhu cầu oxy cho cơ tim.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách sử dụng thuốc, cũng như những lưu ý cần biết khi sử dụng thuốc. Về cơ bản thì thuốc có thể được sử dụng dưới các dạng khác nhau như: thuốc xịt, thuốc ngậm, uống, dán ngoài da.

1. Nitrates dưới lưỡi: là dạng thuốc được lựa chọn tối ưu để điều trị những triệu chứng đau thắt ngực cấp tính do bệnh mạch vành cũng như đề phòng ngừa những cơn đau ngực xuất hiện khi hoạt động gắng sức. Nitrates dưới lưỡi thường được sản xuất dưới dạng viên ngậm dưới lưỡi và chai xịt dưới lưỡi. Cách sử dụng thuốc loại này như sau:

Dùng để cắt cơn đau ngực cấp:

  • Trước khi dùng thuốc, hãy ngồi xuống ở một tư thế ổn định vì thuốc có thể gây hạ huyết áp thế đứng.
  • Xịt 1 liều thuốc xịt (hoặc ngậm 1 viên thuốc dạng ngậm) vào dưới lưỡi.
  • Nếu cơn đau không cải thiện, có thể dùng liều lặp lại sau 5 phút.
  • Nếu sau 3 lần sử dụng thuốc trong vòng 15 phút mà các biểu hiện đau ở ngực vẫn không cải thiện, hãy lập tức tìm sự trợ giúp của nhân viên Y tế.

Dùng để phòng ngừa cơn đau ngực trước các hoạt động gắng sức:

  • Ngồi xuống
  • Xịt 1 liều thuốc xịt (hoặc ngậm 1 viên thuốc dạng ngậm) vào dưới lưỡi
  • Ngồi nghỉ 5-10 phút rồi từ từ đứng dậy, hoạt động bình thường

2. Nitrates dạng uống: là dạng thuốc có tác dụng kéo dài hơn so với Nitrates dưới lưỡi. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khoảng 30 phút, và có thể có tác dụng phòng ngừa đau ngực do hoạt động gắng sức lên đến 8 tiếng.

3. Nitrates dạng miếng dán: đây là một dạng thuốc tác dụng kéo dài và sử dụng rất tiện lợi. Miếng dán trên da liên tục cung cấp cho cơ thể một liều nitrates ổn định. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khoảng 30 phút và kéo dài 8-14 tiếng.

Tuy rằng hoạt chất là như nhau nhưng mỗi dạng bào chế thuốc đều có những sự khác biệt nhất định ví dụ như thời gian từ khi dùng đến khi có tác dụng, thời gian kéo dài của tác dụng thuốc, vì vậy tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ cùng người bệnh chọn ra dạng sử dụng phù hợp nhất.

Ví dụ như Nitrates dạng xịt/ngậm dưới lưỡi sẽ được khuyến cáo sử dụng để điều trị những triệu chứng đau thắt ngực cấp tính và được sử dụng ngay khi cơn đau khởi phát. Những dạng Nitrates có tác dụng kéo dài thì lại thường được sử dụng đồng thời với thuốc chẹn beta giao cảm để kiểm soát đau ngực ổn định do bệnh mạch vành. Ở những bệnh nhân mà thường có biểu hiện bị đau ngực khi gắng sức, liệu pháp sử dụng Nitrates dài hạn bằng đường uống hoặc dán trên da thường được sử dụng để tăng cường sự dung nạp với vận động, cải thiện đau ngực khi gắng sức, hạn chế đáng kể tình trạng thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, việc sử dụng Nitrates dài hạn cũng gặp phải nhiều khó khăn do sự nhờn thuốc, chúng ta sẽ nói thêm về cách để hạn chế nó trong phần lưu ý về thuốc.

Các lưu ý về thuốc ngăn chặn biểu hiện đau ở ngực:

  1. Sự nhờn thuốc: Việc sử dụng nitrates liên tục trong vòng 24-48 tiếng có thể dẫn đến sự nhờn thuốc, khi đó thuốc không còn tác dụng ở liều thông thường. Sự nhờn thuốc thường xảy ra với nitrates dạng tác dụng kéo dài, vì vậy các khoảng nghỉ không dùng thuốc là cần thiết.
    Cách tốt nhất để tránh sự nhờn thuốc là sử dụng ngắt quãng đối với nitrates tác dụng kéo dài, các khoảng nghỉ kéo dài 8-12 tiếng.
  2. Thời điểm sử dụng thuốc: Những bệnh nhân có biểu hiện đau ở ngực do hoạt động gắng sức thường nên sử dụng nitrates vào ban ngày, ngược lại những bệnh nhân hay bị đau ngực về đêm hoặc bị suy tim nên sử dụng nitrates vào buổi tối, điều này sẽ giúp ngăn ngừa cơn đau ngực đồng thời giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của suy tim vào ban đêm.
  3. Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ hay gặp nhất của nitrates là đau đầu, chóng mặt, đỏ mặt, và tăng nhịp tim. Những người cao tuổi thường hay bị chóng mặt và càng nên cẩn thận hơn ở thời tiết nóng. Uống đủ nước có thể sẽ giúp hạn chế tác dụng phụ này.
    Nitrates còn gây hạ huyết áp và có thể gây ra ngất/xỉu ở một số người (đặc biệt ở những người đang sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp khác hoặc ở những người bị mất nước). Ngoài ra nên lưu ý là tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương khi đang sử dụng nitrates.

Nếu các tác dụng phụ của thuốc gây ra cho bạn quá nhiều khó chịu, hãy liên hệ ngay với nhân viên Y tế để được tư vấn và trợ giúp.

Chia sẻ
2

Bài viết liên quan

27/11/2020

4 cách xây dựng lối sống lành mạnh để giảm thiểu nguyên nhân đau thắt ngực khó thở


Xem thêm
dau-nguc-khi-van-dong-la-bieu-hien-benh-gi
27/11/2020

Làm thế nào để tập thể dục an toàn và phù hợp dành cho người bệnh đau thắt ngực


Xem thêm
27/11/2020

Điểm danh 11 loại thực phẩm giúp bạn ngăn ngừa nguyên nhân và giảm thiểu triệu chứng của bệnh động mạch vành


Xem thêm
ic-logo
© 2018 Copyright, All Right Reserved 2018
Trang web được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Học Việt Nam.
® Ghi rõ nguồn Hội Tim Mạch Học Việt Nam khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.